Vì sao Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử?
Sáng 9/11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), đã diễn ra Hội thảo phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban Chỉ đạo HANIFF VII tham dự Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả: PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Tiền Trọng Viễn, Giám đốc sản xuất As One Production (Trung Quốc); Đạo diễn Charlie Nguyễn; ông Trinh Hoan, Nhà sản xuất phim; Nhà văn Phong Điệp. Điều hành Hội thảo là bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch Điều hành Hội đồng Quản trị Galaxy Studio.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo HANIFF VII Tạ Quang Đông cho biết: Hội thảo “Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học”, thảo luận những vấn đề đặt ra khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh; những nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, kinh nghiệm quốc tế.
Theo Thứ trưởng, Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Thứ trưởng nhận định: Xu thế sáng tác của điện ảnh quốc tế và Việt Nam, có thể thấy, ” Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem các tác phẩm văn học như một ” mảnh đất màu mỡ” để khai thác. Một thống kê cho thấy cứ năm tác phẩm điện ảnh thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học.
Tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú, dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể kể đến như: phim Chị Tư Hậu (từ truyện nhắn Một chuyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái); phim Con chim vành khuyên (từ truyện ngắn Câu chuyện một bài ca); phim Mẹ vắng nhà (từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thi); phim Bến không chồng (từ tác phẩm của nhà văn Dương Hướng); phim Trăng nơi đáy giếng (từ tác phẩm văn học của Trần Thùy Mai), Mê Thảo – thời vang bóng (từ truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), hay Đừng đốt (dựa trên cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm) … Những tác phẩm trên là ví dụ về việc chuyển thể từ tác phẩm văn học thành công, thể hiện sự sáng tạo trong công việc chuyển từ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh.
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo
Đối với đề tài lịch sử, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: Sao tháng 8; Hà Nội mùa đông năm 46; Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông… hay điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như Long Thành cầm giả ca; Những người viết huyền thoại; Mùi cỏ cháy; Đào phở và piano…
Theo Thứ trưởng, điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử cũng là lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
“Tôi mong rằng, thông qua hội thảo, những nội dung trao đổi sẽ là những kinh nghiệm hữu ích cho những người làm phim trong nước và quốc tế tham dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII . Từ đó, giúp ngành điện ảnh Việt Nam có được những nhận thức mới, những kinh nghiệm của điện ảnh các nước trong việc làm phim về đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, góp phần phát triện công nghiệp điện ảnh trở thành mũi nhọn trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ.
Hội thảo được chia thành 2 phiên thảo luận với hai chủ đề: Làm phim đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học, những thách thức và cơ hội; Kinh nghiệm của điện ảnh các nước và các giải pháp về chính sách để phát triển dòng phim có đề tài này.
Tại Hội thảo, các nhà làm phim, đạo diễn đã chia sẻ những thách thức đối với người làm phim đề tài lịch sử, chuyển thể từ tác phẩm văn học như việc làm sao để khán giả hiểu phim điện ảnh về lịch sử khác với phim tài liệu, không so sánh với kịch bản văn học và quyền sáng tạo một số chi tiết để tác phẩm điện ảnh thêm hấp dẫn.
Đạo diễn, nhà sản xuất cũng chia sẻ những khó khăn trong việc đầu tư cho phim lịch sử, vừa tốn kém vừa mang tính rủi ro cao là lý do khiến phim lịch sử thiếu vắng trong nền điện ảnh Việt Nam.
Các nhà làm phim, các đạo diễn cũng bày tỏ thẳng thắn về việc mong chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phim về đề tài lịch sử, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học có cơ hội phát triển. Theo đó, việc dự kiến tăng thuế VAT đối với sản phẩm văn hóa, thể thao đang là 1 trong những cản trở đối với sự phát triển của điện ảnh./.
P.V