Vì sao khó phát triển sản xuất phim về đề tài lịch sử?
Phim khai thác đề tài lịch sử là lãnh địa đầy tiềm năng, hấp dẫn đối với người làm phim nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Số lượng phim về đề tài này không nhiều. Với không ít nhà sản xuất, đầu tư làm phim về mảng đề tài này bị coi như là đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, khán giả tìm đến phim của nước ngoài và “thuộc” lịch sử nước ngoài qua phim.
Đây là nhận định chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học” – sự kiện trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/11, thu hút đông đảo các chuyên gia,nhà quản lý, người làm phim ở trong và ngoài nước.
Chính sách đã cởi mở hơn
Khẳng định Luật Điện ảnh năm 2022 với nhiều quy định cởi mở nhằm phát triển thị trường điện ảnh trong các lĩnh vực sản xuất, phát hành, phổ biến phim, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, hiện nay, việc quy định mở rộng đề tài, thể loại phim và thực hiện việc đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (không qua đấu thầu) tạo thuận lợi cho việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh. Hoạt động này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, quảng bá truyền thống dân tộc, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nghệ sĩ và doanh nghiệp sản xuất phim để sản xuất ra những bộ phim Việt Nam mang tính nhân văn, sáng tạo, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần xây dựng nhân cách con người văn minh, hiện đại, làm chủ đất nước; góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tác phẩm nghệ thuật điện ảnh ngày càng cao của nhân dân.
Phim “Đào, phở và piano” – tác phẩm điện ảnh hiếm hoi về đề tài lịch sử “gây sốt” thời gian qua.
Cơ chế chính sách mới về điện ảnh đã đồng thời góp phần tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất phim, đảm bảo bản quyền tác giả của các thành phần sáng tạo trong sản xuất phim; tạo điều kiện thuận lợi để ngành điện ảnh thực hiện nhiệm vụ quảng bá truyền thống lịch sử, hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh.
Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, tại Việt Nam, số lượng phim truyện sản xuất một năm là 40 phim, ở mức trung bình nhưng tiềm năng phát triển sản xuất phim rất phong phú. Riêng đối với đề tài lịch sử, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã để lại những tác phẩm như: Sao tháng 8; Hà Nội mùa đông năm 46; Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông ... Điện ảnh đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công như: Long Thành cầm giả ca; Những người viết huyền thoại; Mùi cỏ cháy; Đào, phở và piano ...
Hội thảo “Phát triển sản xuất phim đề tài lịch sử và chuyển thể tác phẩm văn học”
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng điện ảnh Việt Nam còn thiếu tác phẩm điện ảnh hay về đề tài lịch sử. Đây cũng là một trong những lý do làm cho nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim về đề tài lịch sử của Việt Nam. Bởi thực tế, chính những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Nhưng vẫn còn nhiều nút thắt
Đồng tình với nhận định trên, tại Hội thảo, các nhà làm phim trong nước và nước ngoài đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề, trong đó có câu chuyện về nhận thức phù hợp khi làm phim khai thác đề tài lịch sử, đối với chính sử, huyền sử và dã sử; vấn đề nâng tầm và phát triển phim về đề tài lịch sử và kinh nghiệm quốc tế.
Giám đốc sản xuất As One Production Tiền Trọng Viễn chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển phim về đề tài lịch sử của Trung Quốc
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã nhắc lại câu chuyện tranh cãi quanh phim sản xuất, phát hành ” Đất rừng phương Nam” và cho biết, thời điểm đó, cơ quan quản lý và người làm điện ảnh chịu rất nhiều áp lực từ dư luận. Lãnh đạo Cục Điện ảnh đã phải 03 lần lên báo cáo trực tiếp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Chia sẻ của Cục trưởng Vi Kiến Thành nhận được nhiều sự cảm thông của các đại biểu. Khá nhiều ý kiến trao đổi sau đó đều cho rằng chúng ta nên cởi mở hơn với tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử và có nhiều chính sách hỗ trợ hơn đối với người làm phim về mảng đề tài này.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của Trung Quốc, ông Tiền Trọng Viễn, Giám đốc sản xuất As One Production cho hay, các phim về đề tài lịch sử của Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều, được tư vấn từ khâu kịch bản, đạo diễn, quá trình quay phim…Đạo diễn Charlie Nguyễn thì cho rằng, muốn làm phim về đề tài này hấp dẫn khán giả thì chúng ta không nên thần thánh hoá nhân vật lịch sử.
Khẳng định đề tài về lịch sử là mảnh đất vô cùng giàu tiềm năng cho điện ảnh và cần có nhiều sự hỗ trợ và cởi mở hơn với các sáng tạo của người làm nghệ thuật, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn cho rằng mọi sự sáng tạo đều phải hướng tới sự nhân văn, vì con người.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng lưu ý, người làm phim cần sự hỗ trợ tích cực từ các nhà văn hoá, nhà sử học… nhưng cũng cần cẩn trọng vì nếu không khéo thì sẽ giống như người đẽo cày giữa đường, sản phẩm cuối cùng không đảm bảo chất lượng nghệ thuật.
P.V