Sống lại ký ức tự hào với “Hà Nội mùa đông năm 46”
Trong chuỗi hoạt động LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), sáng ngày 8/11 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã diễn ra buổi chiếu phim ” Hà Nội mùa đông năm 46″ và giao lưu với các thành viên trong đoàn làm phim.
Đoàn làm phim tham dự buổi chiếu phim và giao lưu, từ phải qua trái: NSND Vũ Quốc Tuấn; NSƯT diễn viên Hoa Thúy; NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh; NSX, đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền; Diễn viên, đạo diễn Ngô Quang Hải.
Bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đã ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Thủ đô trước khi phải bước vào một cuộc chiến, mà người dân và Chính quyền Cách mạng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ không hề mong muốn.
Bộ phim đoạt được nhiều giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 12 năm 1999 bao gồm giải Bông Sen Bạc, Đạo diễn xuất sắc (Đặng Nhật Minh), Quay phim xuất sắc (Vũ Quốc Tuấn), Họa sĩ xuất sắc (Phạm Quốc Trung) và Nhạc sĩ xuất sắc (Đỗ Hồng Quân).
Tại buổi giao lưu với khán giả, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chia sẻ niềm xúc động khi thấy khán giả vẫn tìm đến với “Hà Nội mùa đông năm 46” sau 28 năm.
Ông nhấn mạnh, bộ phim là công sức của một tập thể, và hôm nay, ông vô cùng hạnh phúc khi có cơ hội đại diện cho 80 thành viên trong đoàn làm phim, một lần nữa giới thiệu tác phẩm tới mọi người.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh phát biểu tại buổi chiếu phim và giao lưu với đoàn làm phim
Gần 3 thập kỷ, bộ phim vinh dự được trở lại phục vụ khán giả Thủ đô, đây cũng là dịp khán giả được ngắm nhìn hình ảnh Hà Nội, hình ảnh về Bác Hồ, và hình ảnh những người lính tự vệ trong thời kỳ cam go của đất nước.
Diễn viên Mai Thu Huyền (trong vai Huệ) chia sẻ, là một người Hà Nội được chứng kiến, ngắm nhìn lại vẻ đẹp Hà Nội xưa, cô cảm thấy vô cùng tự hào và biết ơn sự hi sinh của bậc cha anh đã chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Nữ diễn viên tin rằng, cho dù 100 năm sau thì “Hà Nội mùa đông năm 46” vẫn sẽ là bộ phim có giá trị lịch sử và giá trị này sẽ tồn tại mãi mãi.
Chia sẻ về đạo diễn Đặng Nhật Minh và bộ phim, diễn viên, đạo diễn Ngô Quang Hải (vai Lâm) cho rằng, ở đạo diễn Đặng Nhật Minh có một tinh thần yêu nước xuất phát từ trong tim, chảy trong huyết quản và ông đã chuyển hết cảm xúc, tình cảm đó của mình vào bộ phim.
“Hà Nội mùa đông năm 46” không chỉ là bộ phim bình thường mà đã trở thành bộ phim di sản văn hóa.
Bộ phim không chỉ ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng, khi cuộc đàm phán trong Hội nghị Fontainebleau tại Pháp thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước với Pháp để chuẩn bị đối phó tình hình. Tác phẩm còn khai thác khả năng đối nội và đối ngoại của Chính phủ lâm thời khi ấy.
Hình ảnh người dân xếp hàng vào tham dự buổi chiếu phim và giao lưu.
Sau buổi chiếu phim và giao lưu với đoàn làm phim, khán giả Vũ Lê Thùy Dương (Việt Kiều Pháp) xúc động chia sẻ, bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và ý nghĩa đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Chị cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã tạo cơ hội để mình và bố có thể cùng trải nghiệm bộ phim trong dịp về nước lần này. Được lắng nghe những câu chuyện từ đoàn làm phim, nữ khán giả càng thêm yêu thích và mong muốn viết một bài giới thiệu phim như một cách bày tỏ sự trân trọng của mình.
Bộ phim không chỉ khơi dậy niềm tự hào trong giới trẻ mà còn khắc sâu trong lòng những người con Hà Nội xưa, một tình cảm trân quý đầy xúc động. Bác Lê Kim Dung (72 tuổi) – người dân Hà Nội bộc bạch, tất cả những hình ảnh, âm thanh trong phim đều tái hiện lại một Hà Nội xưa cũ.
Những hình ảnh này đã đọng lại trong ký ức của bác rất lâu, hôm nay khi được thấy nó qua bộ phim bác đã rất xúc động.
Những ngày cuối cùng tại Hà Nội trước khi nổ ra toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) được khắc họa đầy nghệ thuật qua từng khung hình của bộ phim. Có thể thấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã thành công tái hiện một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi mà rất ít người biết đến.
P.V