Học hỏi kinh nghiệm điện ảnh Đức
Sáng ngày 8/11 đã diễn ra Hội thảo ‘Tiêu điểm Điện ảnh Đức’ tại khách sạn Deawoo, Hà Nội trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.
Sáng ngày 8/11 đã diễn ra Hội thảo Tiêu điểm Điện ảnh Đức, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức (1975 – 2025) trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL – ông Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Điện ảnh Đức đương đại đã xác lập vị trí của mình trên bình diện quốc tế nhờ vào sự kết hợp giữa kể chuyện sáng tạo, phản ánh về các vấn đề lịch sử và xã hội, cùng với kỹ thuật làm phim xuất sắc. Các đạo diễn và diễn viên tiếp tục đẩy ranh giới của điện ảnh Đức lên một tầm cao mới, khiến nó trở thành một trong những nền điện ảnh quốc gia đáng chú ý nhất hiện nay. Nhiều bộ phim Đức đã được đề cử và giành giải thưởng tại các sự kiện quốc tế danh giá, như giải Oscar, Liên hoan phim Cannes. Các nhà làm phim Đức hiện nay được coi là những người đóng góp quan trọng cho điện ảnh toàn cầu, cả về nghệ thuật và nội dung. Từ những thành công của điện ảnh Đức, có thể thấy những điều mà điện ảnh Việt Nam có thể chia sẻ và học hỏi”.
Ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu mở màn
Tại hội thảo, hai đạo diễn và nhà biên kịch Axel Ranisch và Sophie Linnenbaum cùng có những chia sẻ thẳng thắn về điện ảnh Đức: “Tại Đức có những chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để họ sản xuất ra bộ phim đầu tay. Chúng tôi nỗ lực đưa hình ảnh của các nhà làm phim trẻ đến gần hơn với khán giả. Có những chương trình, khóa học học đào tạo về làm phim trong vòng nhiều năm nhằm mục đích nâng cao, trao đổi kinh nghiệm và chất lượng phim. Người Đức rất ít khi đi ra rạp xem phim, đấy là một thách thức đối với những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Hiện tại 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình và có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước”.
Hai khách mời quốc tế cũng nói thêm về xu hướng sáng tác mà điện ảnh hiện đại Đức hướng tới: “Những năm 70 là thời điểm tuyệt vời của điện ảnh Đức, chủ đề tập chung hướng đến suy nghĩ của phụ nữ. Hiện nay, xu hướng khán giả Đức không thích phim Đức như xưa, họ thích những phim có tiết tấu và diễn biến nhanh. Những nhà làm phim trẻ nắm bắt được điều đó nên họ học hỏi và phát triển phong cách làm phim mới phù hợp với xu hướng hiện đại nhằm mục đích tạo cảm giác mạnh thu hút khán giả trẻ tuổi đến với rạp
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình chia sẻ ở Đức có rất nhiều Liên hoan phim lớn và các Liên hoan phim đều rất mạnh trong các chương trình hỗ trợ các tài năng trẻ thông qua các chợ dự án. Mấu chốt theo anh chính là đem lại bản sắc văn hóa Việt Nam vào trong tác phẩm của mình, bởi rất nhiều khán giả nước ngoài yêu thích việc tìm hiểu văn hóa, dễ dàng chú ý tới các dự án Việt.
Đạo diễn bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình –Trịnh Đình Lê Minh
Đạo diễn Hà Lễ Diễm của bộ phim Những đứa trẻ trong sương cũng tham dự chia sẻ về quá trình mang bộ phim ra quốc tế gặp không ít trở ngại, chủ yếu tìm cách xin quỹ tại các Liên hoan phim quốc tế
Cũng tại hội thảo, các nhà hoạt động điện ảnh đã tập trung thảo luận trao đổi ý kiến về chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, những yếu tố tạo nên thành tựu của điện ảnh hiện đại Đức; Những xu hướng sáng tác mà điện ảnh hiện đại Đức hướng tới, vai trò quảng bá văn hóa, đất nước của những nhà làm phim Đức đương đại; Hành trình đến với Liên hoan phim cũng như những giải thưởng điện ảnh được tổ chức tại Đức. Ngoài ra, Hội thảo cũng mong muốn các đạo diễn, nhà sản xuất Việt Nam và Đức có thể củng cố thêm mối liên kết, nhằm thuận lợi cho việc đưa các tác phẩm của hai nước ra thị trường quốc tế.
P.V